Nguyên tắc phòng cháy chữa cháy nhà ở; khu dân cư và những biện pháp PCCC cần biết!

18/04/2025
23 lượt xem

Cháy nổ không chừa một ai, trong tích tắc thì tài sản tích lũy cả đời có thể thành tro bụi, và điều đáng sợ hơn cả – tính mạng con người – cũng có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, phòng cháy chữa cháy (PCCC) không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chức năng, mà là trách nhiệm thiết thực và thường xuyên của từng cá nhân, từng hộ gia đình, từng khu dân cư.

Hãy cùng Cửa chống cháy An Toàn Việt tìm hiểu rõ các nguyên tắc và quy định về PCCC trong nhà ở và khu dân cư theo Luật PCCC Số: 27/2001/QH10, để mỗi người chúng ta chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Nội dung chính(ẩn)

I. Nguyên tắc PCCC theo Điều 4 – Luật PCCC

Điều 4. Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy

1. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

2. Trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.

3. Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.

4. Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

 

II.  Quy định phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư

Điều 17 Luật Phòng cháy chữa cháy (số 27/2001/QH 10):  Phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư

1. Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

2. Thôn, ấp, bản, tổ dân phố phải có các quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; có giải pháp ngăn cháy; có phương án, lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; có đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy.

Sản xuất an toàn phải gắn liền với Công tác Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn  cứu hộ

Điều 6 (Nghị định 136/2020/NĐ-CP): Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư

1. Khu dân cư là nơi sinh sống của cá nhân, hộ gia đình được bố trí trên phạm vi thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương (gọi chung là thôn). Một thôn được xác định là một khu dân cư thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.

2. Khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

a) Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

b) Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

c) Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

3. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều này phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Điều 7 (Nghị định 136/2020/NĐ-CP): quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình như sau:

- Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

- Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

+ Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy;

+ Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

+ Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.

- Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy nêu trên phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

- Hộ gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

 

III. Một số biện pháp phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư hiệu quả

Để đảm bảo an toàn PCCC tại khu dân cư, mỗi gia đình cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa và xử lý đám cháy kịp thời. Dưới đây là những khuyến nghị quan trọng từ Cửa chống cháy An Toàn Việt giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của bạn:

1. An toàn điện – Nguyên nhân hàng đầu gây cháy nổ

- Giữ khoảng cách an toàn giữa đồ dùng dễ cháy (giấy, vải, gỗ) và ổ cắm, thiết bị tiêu thụ điện.

- Không sử dụng nhiều thiết bị công suất cao cùng lúc trên một ổ cắm.

- Ưu tiên đi dây điện âm tường, tránh câu mắc điện tùy tiện. Cầu dao, ổ cắm phải đặt xa khu vực ẩm ướt và ngoài tầm với của trẻ em.

- Không để người già, trẻ em hoặc người không tỉnh táo sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy mà không có người trông coi.

2. An toàn khi sử dụng xăng dầu & bếp gas

- Ô tô, xe máy, bình xăng dầu phải để xa bếp đun nấu, nguồn nhiệt và đảm bảo kín.

- Thường xuyên kiểm tra bếp gas, ống dẫn và van bình để phát hiện rò rỉ kịp thời.

- Tuyệt đối không hâm nấu thức ăn khi không có người trông coi.

3. Thiết kế nhà ở an toàn cháy nổ

- Tránh ốp tường, trần nhà bằng gỗ, mút xốp hoặc nhựa dễ bắt lửa.

- Không để đồ đạc chắn lối đi, hành lang hoặc cầu thang bộ.

- Đảm bảo trẻ em, người già, người khuyết tật có lối thoát nạn dễ dàng.

- Lắp đặt cửa chống cháy chuyên dụng, cửa chống cháy không chỉ giúp ngăn lửa lan giữa các khu vực mà còn tạo thêm thời gian quý báu để thoát nạn và chờ lực lượng cứu hỏa.

4. Chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp

- Mỗi gia đình nên có bình chữa cháy, thùng nước dự phòng và tham gia tập huấn sử dụng thành thạo.

- Dự kiến các tình huống cháy và hướng dẫn mọi thành viên cách di tản an toàn.

- Khi phát hiện cháy, ngay lập tức thông báo cho hàng xóm và gọi 114 (Cảnh sát PCCC) hoặc công an địa phương.

5. Thói quen phòng cháy hàng ngày

- Tắt thiết bị điện không cần thiết trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ.

- Kiểm tra khu vực thờ cúng, bếp núc để đảm bảo không còn nguồn lửa tiềm ẩn.

Phòng cháy chữa cháy tại nhà ở và khu dân cư không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là ý thức cộng đồng. Áp dụng nguyên tắc PCCC đúng cách sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, bảo vệ tính mạng và tài sản trước những nguy cơ cháy nổ bất ngờ.

 NHẬN BÁO GIÁ